Chào mừng 49 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 - 30/4/2024 

Đang truy cập: 144
Trong ngày: 2710
Trong tuần: 5162
Lượt truy cập: 493362

Lượt xem: 183

Bảo Tàng LSQG      Hà Nội      Sở VH Và TT Hà Nội      Sở DL Hà Nội     UBND Tp.Hà Nội     Vp UBND Tp.Hà Nội      Cổng GTĐT     Cổng TTĐT 

 

"Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam"

 

       "Hình tượng hổ có lịch sử lâu đời trong văn hoá Việt Nam. Các tài liệu liên quan chứng minh, hổ là đối tượng sùng bái và là vật tổ của nhiều bộ tộc từ thời tiền sử. Cách ngày nay trên 2.000 năm hình tượng hổ bước vào mỹ thuật trên các đồ đồng Đông Sơn với quan niệm kính sợ và tôn thờ sức mạnh, oai linh của loài vật này. Cùng với diễn trình lịch sử, văn hoá Việt Nam, hình tượng hổ có những diễn biến và ý nghĩa tương ứng, từ ý nghĩa tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng, biểu tượng vương quyền đến những vật dụng, trang trí đời sống sinh hoạt thường nhật trong dân gian; tạo hình, phong cách, ứng dụng, ý nghĩa của mỗi thời đại cũng tồn tại những khác biệt. Hình tượng hổ đã đồng hành và đóng góp những nét đặc sắc với phức cảm thẩm mỹ đa dạng vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Chào xuân Nhâm Dần 2022, Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia tổ chức trưng bày chuyên đề “Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam”. Với trên 40 hiện vật và các tài liệu, hình ảnh chọn lọc, trưng bày giới thiệu với công chúng những tác phẩm nghệ thuật tạo hình hổ đặc sắc trải dài trên 2.000 năm của lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

        Trưng bày thông qua sưu tập hiện vật, bằng các hình thức nghệ thuật trưng bày, trang thiết bị kỹ thuật, giới thiệu hình tượng hổ trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các giai đoạn: Văn hoá Đông Sơn, 10 thế kỷ đầu công nguyên, tượng hổ trong các lăng mộ, hình tượng hổ trên đồ gốm, trên điêu khắc đình làng, trên tranh dân gian và trong nghệ thuật thời Nguyễn (thế kỷ 19 - 20). Nội dung trưng bày đảm bảo tính khoa học, các hiện vật, tài liệu được lựa chọn kỹ mang tính điển hình, chứa đựng nhiều thông tin; hình thức trưng bày mang tính đa dạng, phong phú, hấp dẫn, có tính thẩm mỹ cao. Sử dụng phương tiện kỹ thuật tổng hợp, hiện đại và thủ pháp nghệ thuật, sắp xếp các hiện vật theo chủ đề nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu khoa học, nhu cầu tuyên truyền, giáo dục di sản cho đông đảo công chúng.

         Phòng trưng bày chuyên đề tại Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia - số 1 Tràng Tiền - Hà Nội . Hiện vật đưa ra trưng bày là hiện vật gốc, tiêu biểu, có giá trị về lịch sử, văn hóa, có tính thẩm mỹ cao . Hiện vật được lựa chọn là các cổ vật Việt Nam có hình tượng hổ, niên đại từ văn hoá Đông Sơn , đến đầu thế kỷ 20.

         Hổ trong nghệ thuật Đông Sơn :

        Hình hổ săn hươu và người săn hổ trên mặt và tang những trống đồng Đông Sơn tìm được ở Kai và Sangeang, Indonesia được H.R.Van Heekeren mô tả trong công trình "The Bronze-Iron age of Indonesia" được xuất bản năm 1958. Trên mặt trống Kai, hổ mình vằn đang đuổi theo một con hươu, trong khi chính nó lại bị một người cầm cung đang ngắm bắn. Trên tang chiếc trống này một con hổ mình vằn khác cũng đang trong tư thế đuổi theo một con hươu. Trên phần tang của trống Sangeang có cảnh một người tay phải cầm khiên, tay trái cầm kiếm đang trong tư thế đánh nhau với một con hổ chồm lên đứng bằng hai chân sau; một con chó đứng sau hình người cũng đang chồm lên hỗ trợ cho chủ nhân đánh hổ. Những hiện vật này có nguồn gốc từ văn hoá Đông Sơn và đang được trưng bày tại Bảo Tàng Quốc Gia Indonesia.

        Chiếc qua đồng được L.Pajot sưu tầm và đưa về Bảo Tàng Louis Finot trên cả 2 mặt có hình hổ với những chấm trên thân và nhấn mạnh rõ ràng giới tính đực, cùng với hình hổ còn có 2 hình giao long (cá sấu). Đợt thám sát khảo cổ học năm 1972 tại di chỉ Lãng Ngâm (Gia Bình, Bắc Ninh) của Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam (nay là Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia) đã phát hiện ra nhiều tấm đồng trổ thủng mang hình hổ và hươu.

         Ngoài những hình hổ trang trí bằng hoạ tiết chìm, người Đông Sơn còn thể hiện hình tượng hổ thông qua việc tạo ra những khối tượng tròn. Thạp đồng Vạn Thắng (Cẩm Xuyên, Phú Thọ), trên nắp thạp thể hiện bốn khối tượng hổ cắp mồi rất sinh động. Trên những chuôi dao găm Đông Sơn khai quật tại di chỉ Làng Vạc (Nghệ An) có tới 2 chiếc thể hiện hình hổ: cán dao thứ nhất đúc đôi rắn đang quấn vào nhau và vươn lên nuốt chân một con hổ, lưỡi dao có đồ án trang trí hoa văn hình học rất rõ nét ở cả hai bên mặt; cán dao thứ hai đúc đôi hổ cùng đứng trên 4 chân sau, vươn lên áp bụng vào nhau để ngậm chân cùng vòi voi và giơ chân trước lên đỡ bụng voi. Nghệ thuật điêu khắc, trang trí ở đây vừa mang tính tả thực vừa mang tính ước lệ, thể hiện sinh động sức mạnh bí ẩn của loài vật này.

         Sự xuất hiện hình ảnh loài hổ trong nghệ thuật Đông Sơn có liên quan đến quan niệm kính sợ và tôn thờ sức mạnh, oai linh của loài vật này, cũng như có thể liên quan đến tín ngưỡng thờ vật tổ, tín ngưỡng vạn vật linh của cư dân thời kỳ này. Sự tôn thờ này còn tồn tại khá phổ biến đến tận ngày nay ở một số vùng, một số dân tộc .

       

         Hổ trong nghệ thuật 10 thế kỷ đầu công nguyên :

        Cách ngày nay trên 2.000 năm, vì những nguyên nhân lịch sử, văn hoá Việt Nam tiếp thu ngày một sâu rộng các yếu tố văn hoá Trung Hoa. Hình tượng hổ theo đó cũng có những chuyển biến về tạo hình, ý nghĩa, nội hàm văn hoá. Hình tượng hổ thời kỳ này bắt đầu xuất hiện gắn với các quan niệm về Tứ Tượng hay còn gọi là Tứ Linh, Tứ Thần Thú: Thanh Long (phương Đông), Bạch Hổ (phương Tây), Chu Tước (Phương Nam), Huyền Vũ (Phương Bắc). Các thần thú này còn đại diện cho các khía cạnh khác như: 4 mùa trong năm, các đức tính, các nguyên tố trong tự nhiên, vị trí của các chòm sao trong thiên văn học thời cổ. Hổ trở thành một biểu tượng trong các thần thú mang ý nghĩa tâm linh, tôn giáo do vậy về kết cấu, thể hình, biểu hiện xa rời hình ảnh của hổ trong thực tế. Trí tưởng tượng và tư duy thẩm mỹ tạo hình thời kỳ này chú trọng vào sự hài hoà, các đặc điểm cơ thể của loài hổ chủ yếu được tập trung từ phần đầu đến trước ngực và vị trí từ mông đến chân sau bao gồm cả đuôi, toàn thân gấp khúc như hình chữ "S". Tạo hình thẩm mỹ đầy tính thận trọng và uyển chuyển, kết hợp với các biểu tượng mang tính chất thiêng hoá thể hiện niềm tin và sự tôn kính đối với hổ.

       Ở chiều ngược lại, trong các thời gian và không gian văn hoá khác, hổ không còn được coi là biểu tượng của sự sợ hãi và tôn thờ sức mạnh hay quyền lực siêu nhiên; hình tượng hổ còn có xu hướng bị bắt chước và sử dụng; trong các trường hợp này tạo hình thường thiếu sự phối hợp và hài hoà trong hình thức về mặt tỷ lệ, tạo hình các bộ phận cơ thể không theo quy luật thẩm mỹ. Tuy nhiên chính sự khác biệt về ý thức thẩm mỹ giữa hình tượng hổ của các thời kỳ, trong các ứng dụng sinh hoạt khác nhau đã chỉ rõ quy luật và nguồn gốc, diễn biến của hình tượng hổ trong lịch sử xã hội và văn hoá của mỗi thời đại.

         

         Tượng hổ trong các lăng mộ thế kỷ 13 - 18 :

      Từ thế kỷ thứ 10, Việt Nam bước vào thời kỳ xây dựng các triều đại phong kiến tự chủ. Các triều đại nhà Đinh (968 - 980), đặc biệt từ thời nhà Lý (1009 - 1225), công cuộc xây dựng đất nước được đẩy mạnh với nhiều dấu ấn sâu đậm trên mọi phương diện văn hoá, tôn giáo, pháp luật, kinh tế, chính trị... với hơn 200 năm tồn tại, nhà Lý đã đưa đất nước trở nên cường thịnh, củng cố nền tự chủ, thúc đẩy văn minh Đại Việt phát triển hùng mạnh. Sử sách ghi chép nhiều chuyện có liên quan đến hổ như nuôi hổ, đấu hổ để giải trí và trừng trị phạm nhân, thái sư Lê Văn Thịnh hoá hổ... Dường như trong quan niệm đương thời hổ đại diện cho cái ác, sự trừng phạt, tạo cảm giác ghê, sợ do vậy cho đến nay chưa phát hiện được hình tượng hổ nào trong nghệ thuật của thời kỳ này.

        Từ thời Trần (1225 - 1400), hổ xuất hiện với tạo hình khoẻ khoắn, sinh động, thể hiện sự dũng mãnh, oai phong, đồng thời được coi như linh thú trấn yểm, bảo vệ các lăng mộ. Tượng hổ ở lăng Trần Thủ Độ (Hưng Hà, Thái Bình) và lăng vua Trần Hiến Tông (Đông Triều, Quảng Ninh) là các tác phẩm điêu khắc hiếm hoi còn lại của thời Trần, mở đầu cho truyền thống đặt tượng ở hai bên trục thần đạo tại các lăng mộ.

         Khu lăng mộ các vua Lê ở Lam Kinh (Thanh Hoá) cho biết những thông tin chính xác hơn về quy mô, cấu trúc của các lăng tẩm hoàng gia thời phong kiến. Các lăng này thường có 10 pho tượng chia làm 5 đôi gồm: quan hầu, lân, tê giác, ngựa, hổ, ở một số lăng muộn hơn tượng voi thay cho tượng hổ còn các tượng khác vẫn giữ nguyên; Những pho tượng này đều nhỏ, cao khoảng 60cm. Một đặc điểm nổi bật, dễ nhận thấy là các pho tượng lăng mộ thời Lê Sơ có sự sắp xếp, bố cục và kích thường gần như bằng nhau ở các lăng mộ. Điều này phần nào bộc lộ tính khuôn thước, mẫu mực theo tinh thần Nho giáo. Các lăng đều có quy mô nhỏ do đó tượng đặt ở lăng cũng không được quá lớn. Các tượng nói chung và tượng hổ được thể hiện đơn giản ở cách tạo dáng, khối, đường nét nhưng vẫn giàu tính biểu cảm.

       Thời Lê - Trịnh (thế kỷ 17 - 18) với sự nới lỏng trong việc ban phong chức tước và hậu đãi với tầng lớp quan lại là thời kỳ nở rộ của các loại hình kiến trúc lăng mộ. Tại quê hương các danh tướng triều Lê - Trịnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Thanh Hoá, quần thể lăng mộ các tầng lớp quan lại được xây dựng to lớn với hệ thống điêu khắc dày đặc. Hầu hết chủ nhân các lăng mộ đá thời Lê - Trịnh là quan thái giám - quận công. Triều Lê – Trịnh đã đặt ra nhiều quy chế nghiêm ngặt trong việc xây cất lăng mộ, nhưng sự tiếm quyền, dương oai của các vị công thần đã làm nảy sinh nhiều lăng mộ đồ sộ cả về quy mô kiến trúc và điêu khắc. Tượng hổ tại các di tích này thường được làm với kích thước lớn, khối hình chau chuốt mang tính tả thực cao. Vị trí của tượng hổ tại các lăng mộ được đặt ở ngoài cùng, nhiều trường hợp được đặt ở vị trí ngoài tường bao, cách khá xa các cặp tượng voi, ngựa, quan hầu khác. Như vậy hổ được coi như hộ môn thú, canh gác cửa các khu lăng mộ.

         

          Tượng hổ lăng Trần Thủ Độ :

        Sớm nhất hiện biết là tượng hổ đá ở lăng mộ Trần Thủ Độ, có niên đại khoảng năm 1264. Tượng được tạc ở tư thế nằm nghỉ ngơi tự nhiên nhưng đầu nghẩnh cao như đang quan sát, sẵn sàng chồm dậy, các chân được gấp lại đưa về phía sau, đuôi dài tạo hình với khối vuông khoẻ khoắn quặt về cùng phía xuôi chiều. Thân mình hổ được thể hiện bằng những mảng khối căng, mạnh mẽ, bố cục chặt chẽ, vững chãi, tạo khối đơn giản nhưng sinh động, lột tả được vẻ dũng mãnh của loài hổ. Đây là tác phẩm điêu khắc tượng tròn điển hình của thời Trần với phong cách hiện thực, khoẻ khoắn. Cùng với tượng hổ, tại lăng mộ này còn có một tượng chim được tạo tác với các khối đơn giản. Hai tượng này có thể thuộc về một bộ tượng tứ linh: Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ, Chu Tước .

 

          Hổ trong nghệ thuật gốm :

      So với các linh vật như rồng, phượng, lân hoặc những con vật bình thường khác như chim, cá, vịt, hươu, ngựa... hình ảnh của hổ là xuất hiện khá hiếm hoi trên đồ gốm. Dù vậy sự hiện diện của hổ trên đồ gốm khá sớm và có tính liên tục. Hổ xuất hiện sớm nhất trên các thạp gốm hoa nâu thời Trần, nổi tiếng với chiếc thạp hoa nâu khắc hình 3 con hổ đuổi nhau tại Bảo tàng Guimet (Paris, Pháp). Đến nay có khoảng trên dưới 10 chiếc thạp hoa nâu có hình hổ được lưu giữ tại các bảo tàng, sưu tập tư nhân trong và ngoài nước. Hồ trên thạp gốm hoa nâu được tạo hình khoẻ khoắn, sinh động, mang vẻ dũng mãnh khi rượt đuổi nhau hoặc rượt đuổi con mồi.

         Hình tượng hổ cũng xuất hiện trên nhiều dòng đồ gốm khác, với phong cách tạo hình khác biệt, tạo nên những dấu ấn riêng, độc đáo và thú vị. Kết quả khai quật khảo cổ học ở tàu cổ Cù Lao Chàm các năm 1997 - 2000 và khai quật các lò gốm cổ vùng Nam Sách, Bình Giang (Hải Dương) cho thấy các loại đồ gốm xuất khẩu với loại hình phong phú, mỹ thuật đặc sắc, trong đó có nhiều tiêu bản gốm trang trí đề tài hổ như bình gốm hoa lam, kendy, đĩa gốm men lam và nhiều màu, đĩa gốm hoa lam... chứng tỏ hổ là một đề tài trang trí được các thợ gốm và những người đặt hàng ưa chuộng. Những hình hổ này hoàn toàn không mang các ý nghĩa tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng hay sự sợ hãi, sùng bái như các thời kỳ trước mà thường là các đồ án trang trí tươi vui, sinh động.

         

         Hổ trong điêu khắc đình làng thế kỷ 16 - 18 :

         Đình làng là công trình kiến trúc cổ truyền độc đáo của Việt Nam, bảo tồn khá trọn vẹn những đặc điểm nghệ thuật kiến trúc, đậm đà sắc thái dân gian. Thế kỷ 16 - 18 là thời kỳ nở rộ của kiến trúc đình làng; những chạm khắc trang trí trên đình làng mang giá trị nghệ thuật đặc sắc trong mỹ thuật cổ Việt Nam. Hổ là một đề tài ưa thích trong các bức chạm trên kiến trúc gỗ đình làng. Những ngôi đình nổi tiếng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam như Tây Đằng, Chu Quyến, Nghiêm Xá (Hà Nội), Trùng Hạ (Ninh Bình), đình Chảy (Hà Nam), Thổ Tang (Vĩnh Phúc), Hùng Lô (Phú Thọ) đều có chạm khắc những đề tài có liên quan đến hổ. Hổ trong điêu khắc đình làng thường không phải là các tác phẩm độc lập mà thường tham gia vào các hoạt cảnh như: hổ chạy theo chân Đinh Bộ Lĩnh trong cảnh mả táng hàm rồng, người cưỡi hổ (đình Chu Quyến), người cầm giáo đâm hổ (đình Tây Đằng), người đánh hổ, người và voi săn hổ (đình Chảy), hổ cày ruộng (đình Hùng Lô), người cầm súng bắn hổ (đình Hạ Hiệp)... Hình ảnh hổ trong điêu khắc đình làng thể hiện trong một thế giới gần gũi, thân quen, không bị lệ thuộc, gò bó về tạo hình, đa dạng về thủ pháp, giản lược về hình thức, thể hiện cái nhìn hồn nhiên, mộc mạc, hóm hỉnh, đầy sức sống của nghệ thuật dân gian truyền thống.

         

         Hổ trong tranh dân gian Hàng Trống :

        Ngũ hổ là một bức tranh dân gian thuộc dòng tranh Hàng Trống. Đây là bức tranh nổi tiếng được lưu truyền qua nhiều đời thường được bày trong những không gian thờ phụng. Trong tín ngưỡng dân gian, hổ được xem là linh vật có sức mạnh, oai linh, được tôn thờ. Ngoài tranh ngũ hổ còn có các tranh độc hổ theo màu sắc tương ứng: thanh hổ, bạch hổ, xích hổ, hắc hổ. Màu sắc trong tranh hổ Hàng Trống khá lộng lẫy uy nghi nhưng cũng không kém phần hài hòa, độc đáo. Việc dựa trên nguyên lý ngũ hành để phối màu càng giúp bức tranh có nhiều ý nghĩa. Đường nét và cách tạo hình khỏe khoắn mang tính ước lệ cao được thể hiện theo lối đơn tuyến bình đồ, không theo quy luật xa gần của thị giác, các hình khối được sắp xếp nổi bật nhưng không kém phần uyển chuyển. Kết hợp cùng các hoạ tiết như mây ngũ sắc, cờ, kiếm, tinh tú... tạo thành một tổng thể uy nghiêm, hài hoà, cân bằng theo thẩm mỹ dân gian

         

          Hổ mỹ thuật thời Nguyễn thế kỷ 19 - 20 :

      Thời Nguyễn để lại nhiều di sản mỹ thuật phong phú với những hình tượng trang trí đa dạng. Hình tượng hổ - biểu trưng cho sức mạnh được sử dụng khá phố biến: trang trí các tấm bổ tử trên phẩm phục võ quan, trên các bức trướng, tranh thêu, trên đồ gỗ chạm khảm, đồ ngọc, đồ pháp lam, bình phong trong các di tích đền miếu... Trong quần thể di tích Cố đô Huế còn có công trình Hổ quyền - đấu trường của voi và hổ được xây dựng năm 1830 dưới triều vua Minh Mạng. Hình hổ cũng được được đúc trên Cao đỉnh - chiếc đỉnh lớn nhất trong cửu đỉnh, báu vật tượng trưng cho đế nghiệp muôn năm vững bền của triều Nguyễn. Hình tượng hổ dưới thời Nguyễn (thế kỷ 19 - 20) được thể hiện đa sắc, đa dạng, từ cung đình cho đến dân gian, từ các biểu tượng tôn giáo, tín ngưỡng đến đời sống sinh hoạt thường nhật, góp những nét đặc sắc vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam : ảnh nền điện Thái Hoà. 

         

         Hiện vật trưng bày

Thạp đồng Vạn Thắng : Cách ngày nay 2.000 - 2.300 năm. Khai quật năm 1962 tại Vạn Thắng, Cẩm Khê, Phú Thọ . Trên nắp thạp trang trí bốn khối tượng hổ cắp mồi

Hình hổ trên tang trống đồng Đông Sơn tìm được ở Sangeang :  Bảo tàng Quốc gia Indonesia .  Nguồn: H.R.Van Heekeren, "The Bronze-Iron age of Indonesia", 1958 .   

Hình hổ săn hươu và người săn hổ trên mặt trống đồng Đông Sơn tìm được ở Kai : Bảo tàng Quốc gia Indonesia .  Nguồn: H.R.Van Heekeren, "The Bronze-Iron age of Indonesia", 1958

Dao găm Đông Sơn khai quật tại di chỉ Làng Vạc - Nghệ An : Cán dao thứ nhất đúc đôi rắn đang quấn vào nhau và vươn lên nuốt chân một con hổ, lưỡi dao có đồ án trang trí hoa văn hình học rất rõ nét ở cả hai bên mặt; cán dao thứ hai đúc đôi hổ cùng đứng trên 4 chân sau, vươn lên áp bụng vào nhau để ngậm chân cùng vòi voi và giơ chân trước lên đỡ bụng voi.

Qua đồng : Cách ngày nay 2.000 - 2.500 năm.  Trên cả 2 mặt có hình hổ với những chấm trên thân và nhấn mạnh rõ ràng giới tính đực, cùng với hình hổ còn có 2 hình giao long (cá sấu).  Qua là một loại binh khí thời cổ thường có hình dạng lưỡi ngang, mũi nhọn, cán gỗ, dùng dùng để đâm, móc. Qua được phát triển từ các loại liềm đá, liềm xương thời đại đồ đá mới. Đến thời Thương (cách ngày nay 3.000 - 3.600 năm) đã xuất hiện qua đồng, được sử dụng phổ biến từ thời Thương đến thời Chiến Quốc, đến thời Hán mới dần bị thay thế bằng các loại kiếm và trở thành một loại vũ khí có tính chất nghi trượng. Qua và can (tức mâu - 1 loại khiên) là trang bị tiêu chuẩn của các binh sĩ thời Thương - Chu. Do đó từ "can qua" được dùng để chỉ chiến tranh.

Tượng 12 con giáp (Thập nhị chi) : Ngọc, thế kỷ 18 - 19 . Sưu tập bảo vật hoàng cung triều Nguyễn.

Chân đèn trang trí hình hổ, voi : Đồng pháp lam, thế kỷ 19 .

Bức chạm hổ : Thế kỷ 17 . 

Hình người cầm giáo đâm hổ trên vì nóc đình Tây Đằng, thế kỷ 16 .

Hổ chạy theo chân Đinh Bộ Lĩnh trong cảnh mả táng hàm rồng, người cưỡi hổ, đình Chu Quyến, cuối thế kỷ 17.

Hổ mẹ - hổ con  đình Trùng Hạ, thế kỷ 17.

Người đánh hổ, người và voi săn hổ, đình Chảy, thế kỷ 17 .

Hổ cày ruộng, đình Hùng Lô, niên hiệu Chính Hoà, năm Đinh Sửu (1697).

Hình hổ trên con chồng vì nách đình Nghiêm Xá, niên hiệu Vĩnh Trị năm thứ 2 (1677).

Bình hình thú , hổ tử 虎子 : Thế kỷ 1 - 3 . Gốm, đồng .

Hổ tử 虎子 là tên của loại bình này vì được tạo hình giống hình con hổ với quai xách trên lưng, miệng hướng lên trên . Loại bình làm bằng gốm đen được phát hiện sớm nhất trong văn hoá Lương Chử thuộc thời đại đồ đá mới cách ngày nay 4.000 - 5.300 năm. Bình được tạo dáng thành hình hổ sớm nhất được làm bằng đồng có niên đại cuối thời Xuân Thu (thế kỷ 5 trước công nguyên), thời Hán (206 trước công nguyên - 220) , tạo hình của bình đã rất ổn định, đến cuối thời Lục Triều (thế kỷ thứ 6) dần trở nên ít phổ biến..

Bích đồng :  Thế kỷ 1 - 3 . Trang trí hình 4 thần thú: Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ, Chu Tước. Hình hổ có người cưỡi trên lưng .

Bích 璧 , đồ vật thời cổ hình tròn, dẹt, có lỗ ở giữa, thường làm bằng ngọc, dùng để cúng tế hoặc trang trí. Bích thường được dùng trong những dịp lễ trọng như tế trời, đất, tế sơn thần, hà bá, cúng sao...《尔雅》云:“肉倍好谓之璧,好倍肉谓之瑗,肉好若一谓之环。 Sách Nhĩ Nhã - bộ từ điển cổ được xem là kinh điển của Nho giáo ghi: "Phần thịt rộng hơn hảo gọi là "bích", thịt nhỏ hơn hảo gọi là "viện", thịt và hảo bằng nhau gọi là "hoàn". Từ "thịt" ở đây có nghĩa là phần biên, viền, "hảo" có nghĩa là lỗ thủng trong phần biên.

Đĩa đồng 3 chân : Thế kỷ 1 - 3. Trang trí hình hổ và rồng, phượng, chim, thú bằng hoạ tiết trên đĩa đồng và hình tôn đặt trên đĩa. Đĩa thường được gọi với tên "Đĩa 3 chân, hoa văn núm quả hồng" , chỉ dạng đồ án hoa văn, rất phổ biến trên đồ đồng. Thời kỳ này có hình dáng giống như núm của quả hồng. Ngoài ra còn có các hoa văn hình tam giác, trám lồng, chim bay, phượng, rồng, hổ, huyền vũ... hoa văn được khắc với các nét rất mảnh, tinh tế. Đĩa này cùng với loại tôn 樽đồng có 3 chân hình người quỳ làm thành một bộ. Tôn được đặt lên trên đĩa, là tửu khí thời cổ dùng để đựng rượu trong tế lễ .

Tượng hổ : Đá, thế kỷ 14 - 15 .

Tượng hổ : Đá, thế kỷ 17 - 18 , khu di tích Lam Kinh - Thanh Hóa .

Hổ trang trí trên bảo vật quốc gia "Cây hương chùa Tứ Kỳ", dựng tháng 10 năm Bính Ngọ, niên hiệu Cảnh Trị thứ 4 (1666) .

Tượng hổ lăng Trần Hiến Tông : Thế kỷ 14, An Sinh - Đông Triều - Quảng Ninh .

Tượng hổ lăng Lê Thái Tổ : Năm 1433, Lam Kinh - Thanh Hoá .

Tượng hổ lăng Lê Thái Tông : Thế kỷ 15 . Bảo Tàng Tỉnh Thanh Hoá và di tích Lam Kinh .

Tượng hổ lăng hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, thế kỷ 15, Lam Kinh -  Thanh Hoá .

Tượng hổ Hành cung Cổ Bi, đầu thế kỷ 18, Gia Lâm, Hà Nội .

Tượng hổ Bảo Tàng Hưng Yên, thế kỷ 18 .

Tượng hổ lăng quận công Lê Trung Nghĩa, cuối thế kỷ 18, phường An Hoạch - Tp. Thanh Hoá .

Thạp : Gốm hoa nâu, thế kỷ 13 - 14 . Trang trí hình hổ đang đuổi bắt ngựa trên lưng có cắm cờ hiệu .

Kendy, gốm hoa lam và nhiều màu : Gốm Chu Đậu, Hải Dương, thế kỷ 15 .

Mảnh gốm hoa lam và nhiều màu : Gốm Chu Đậu, Hải Dương, thế kỷ 15 .

Đĩa gốm hoa lam và nhiều màu : Gốm Chu Đậu, Hải Dương, thế kỷ 15 .

Hộp gốm hoa lam : Gốm Chu Đậu, Hải Dương, thế kỷ 15 . Trang trí hình hổ đang bước đi bằng hai chân sau, một tay cầm mũi tên, một tay xách con thỏ vừa săn được .

Hình hổ trang trí trên đồ gốm : Thế kỷ 15 .

Gạch trang trí hình hổ, sóng nước : Thế kỷ 13 - 14 .

Gạch trang trí hổ : Thế kỷ 16 .  Hình hổ trang trí trên bia cầu Lam, thế kỷ 16 ; Hình hổ trang trí trên Bảo vật Quốc gia Cây hương chùa Tứ Kỳ , dựng tháng 10 năm Bính Ngọ, niên hiệu Cảnh Trị thứ 4 (1666)

Tượng hổ : Gốm Bát Tràng, niên hiệu Cảnh Hưng (1740 - 1786)

Tranh ngũ hổ Hàng Trống do nghệ nhân Lê Đình Nghiên thể hiện, sưu tập - Lê Tuấn Anh : 05 tranh .

Hoàng hổ: được vẽ ngồi ở vị trí trung tâm, trước mặt có lệnh bài, trấn giữ Trung ương - ứng với hành Thổ.

Bạch hổ   : trấn giữ phương Tây - ứng với hành Kim.

Hắc hổ    : trấn giữ phương Bắc- ứng với hành Thuỷ.

Thanh hổ : trấn giữ phương Đông - ứng với hành Mộc.

Xích hổ    : trấn giữ phương Nam - ứng với hành Hoả.

In tranh dân gian bằng kỹ thuật bản in khắc gỗ tại gia đình ông Nguyễn Văn Quý, chùa Đông Thổ - số 2 phố Hàng Nón - Hà Nội :  Tấm gỗ được khắc những hoạ tiết nổi để sau đó được in ra, những chỗ lõm sẽ là màu trắng. Người ta dùng chổi rơm nhúng vào mực rồi quét lên tấm gỗ. Sau khi mực được quét lên tấm gỗ, người thợ sẽ để tờ giấy trắng áp lên và dùng xơ mướp vuốt nhẹ lên giấy sao cho giấy dính chặt vào bề mặt cần in. Hình ảnh sau đó sẽ được tô màu, từ màu tối nhất tới màu sáng nhất. Những màu sắc truyền thống bao gồm màu đỏ, màu xanh nước biển, màu trắng, màu vàng tươi và màu xanh lá cây.

Tranh thêu : Nghề thêu - một nghề thủ công truyền thống nổi tiếng của Việt Nam: sử dụng các kỹ thuật thêu để trang trí các sản phẩm vải, lụa. Sưu tập tranh thêu lưu giữ tại Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia, đề tài hổ được sử dụng khá nhiều với ý nghĩa cát tường, chúc phúc, trừ tai... các tác phẩm thể hiện rõ tính chất nghệ thuật của nghề thêu truyền thống, từ cách phối màu, kỹ thuật thêu trên từng đồ án, tên người cung tiến, một số bức còn có niên đại chế tác trên dòng lạc khoản.

Bổ tử, vải thêu hình hổ (04 chiếc vào 1 khung) : Thế kỷ 19 - 20 . Bổ tử 補子 là tấm vải hình vuông được đính ở ngực và lưng áo trên phẩm phục của các quan trong thời phong kiến. Bổ tử thường làm bằng chất liệu vải thêu tương ứng với cấp hiệu phẩm hàm của vị quan. Quan chế triều Nguyễn quy định bổ tử có thêu hình hổ được gắn trên phẩm phục quan võ hàm tứ phẩm.

Tranh đôi hổ : Vải thêu, đầu thế kỷ 20.  

Tranh đôi hổ đề chữ "Cương toả phong thanh" :  Vải thêu, mùa xuân năm Nhâm Thìn (1952). Ý tả vẻ uy dũng của hổ đến gió cũng phải lặng tiếng. 剛鎖風聲,壬辰年中春,鄉勇恭進 : Cương toả phong thanh, Nhâm Thìn niên trọng xuân, hương dũng cung tiến.

(Hương dũng - lĩnh địa phương ở làng xã đầu thế kỷ 20)

Tranh hổ săn hươu : Vải thêu, đầu thế kỷ 20 .

Tranh hổ săn hươu : Vải thêu, đầu thế kỷ 20 .

Tranh hổ - sơn thuỷ :  Vải thêu, đầu thế kỷ 20 , ghi chữ: Đoàn Đức Thảng, Đoàn Đức Cần đồng hạ ."

 

 

 Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia

 

  • Trưng bày thực hiện từ 1/2022 , dự tính đến cuối tháng 6/2022 .
  • Nguồn hiện vật : Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia, Bảo Tàng Hùng Vương thuộc Khu Di Tích Quốc Gia Đặc Biệt Đền Hùng và một số sưu tập tư nhân.

 

 


Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

Người chịu trách nhiệm nội dung website : NGÔ LAN HƯƠNG 

Điện thoại :  0923146236 hoặc 0372490711 hoặc 0931403929

Email : huongqc2012@gmail.com ; huongquangcao2012@gmail.com và quangcao2012web@gmail.com 

_________________________________________________________

Bạn đọc vui lòng thanh toán :

Tiền công cung cấp thông tin 50.000đ/tin/người đọc .  

Thông tin trên website giúp bạn đọc tìm được đối tác thầu xây dựng hoặc dự án đầu tư thì website thu phí 1% giá trị thỏa thuận hoặc hợp đồng các bên đạt được

Đối với các hợp đồng mua bán tranh hoặc tâc phẩm nghệ thuật khác , tiền công giúp bạn đọc tìm được đối tác là 5% giá trị thỏa thuận hoặc hợp đồng các bên đạt được

Đối với các hợp đồng mua bán khác , tiền công giúp bạn đọc cung cấp thông tin , tìm được đối tác là 5%  giá trị thỏa thuận , giá trị hợp đồng các bên đạt được

Số tiền công yêu cầu bạn đọc thanh toán không bao gồm chi phí giới thiệu biết website quangcao2012.com, thongtinvaquangcao.com  và không bao gồm phí thanh toán tiền qua ngân hàng;

Đề nghị thanh toán tiền phí như sau : 40% hoặc 50% tiền phí sau ngày ký hợp đồng 01 ngày , số còn lại thì thanh toán khi các bên kết thúc hợp đồng .

Chủ tài khoản : Ngô Lan Hương

Số tài khoản : 0721000665214  - Vietcombank Tp.HCM

Hoặc Công Ty TNHH Một Thành Viên www.quangcao2012.com Tại TPHCM 

Tài khoản : 1036435433 - Vietcombank TP.HCM 

Web và công ty không thuê cá nhân , tổ chức nhắc thanh toán tiền hoặc thu tiền hộ.  

Đề nghị bạn đọc ghi cụ thể "tên bài, mục đăng,...", hoặc "tìm được đối tác , tìm được khách hàng" khi thanh toán tiền

___________________________________________________________

 


thuocdao2

thuocdao